Theo thông tin được công bố bởi Cục du lịch quốc gia Việt Nam, Thanh Hóa dẫn đầu cả nước về số lượt khách du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 với 1,52 triệu lượt khách, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3.805 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023. Chính vì vậy các mặt hàng được tiêu thụ mạnh là rau củ, quả, thực phẩm, hàng đồ khô, hàng hải sản, đồ uống và một số hàng tiêu dùng thiết yếu khác, bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm các mặt hàng quà biếu, quà tặng của du khách khi về Thanh Hóa như hàng hải sản, nước mắm, nem chua… cũng đã có mức tiêu thụ tăng cao. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, hoạt động buôn bán vận chuyển hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hoạt động kinh doanh về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra, trong đó tập trung các mặt hàng như: đồ chơi trẻ em, linh phụ kiện điện thoại, điện thoại, ngói, thực phẩm bao gói sẵn, bánh kẹo, thuốc lá, quần áo, giày dép, phụ tùng xe máy, vàng...
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và gắn nhiệm vụ quản lý thị trường với nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả bảo đảm cân đối cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa và các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin kịp thời về diễn biến tình hình thị trường, cung cầu giá cả hàng hóa, kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường, một số vụ điển hình về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Định kỳ phát sóng chuyên mục truyền hình "Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả - bảo vệ người tiêu dùng” phát sóng trong chương trình Thời sự, các chuyên mục Nhà nước và Pháp luật, Hộp thư truyền hình,... và trên các nền tảng số của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá; chuyên mục "Chống buôn lậu và hàng giả" trên trang Kinh tế của Báo Thanh Hóa; đưa tin hoạt động kiểm tra, kiểm soát và một số vụ việc kiểm tra, xử lý điển hình của lực lượng Quản lý thị trường đăng tải các nội dung trên Website của Cục, Website của Tổng cục và các phương tiện truyền thông khác.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Quản lý thị trường. Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa ban hành và triển khai thực hiện các Công văn chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi các biến động đối với mặt hàng vàng, thường xuyên giám sát thị trường để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chú trọng kiểm tra điều kiện kinh doanh, nguồn gốc, xuất xứ…
Kết quả 8 tháng năm 2024: Kiểm tra 1.045 vụ; xử lý 833 vụ. Tổng số tiền thu 5.848,67 triệu đồng, trong đó: Phạt vi phạm hành chính 5.829,77 triệu đồng, tiền bán hàng tịch thu 18,9 triệu đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả 3.112,12 triệu đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy 1.343,69 triệu đồng; trị giá hàng hóa tịch thu 651,51 triệu đồng.
Thời điểm cuối năm 2024, thời điểm trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cũng là thời điểm hoạt động hàng hóa trên thị trường có mức luân chuyển tương đối lớn do nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng tăng cao. Chính vì vậy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến phức tạp hơn; cùng với đó là các thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng tinh vi và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với sự xuất hiện của nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, Tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh. Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tiếp tục triển khai nghiêm Kế hoạch truyền thông năm 2024; Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 2024. Phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa và các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng hiểu và chấp hành pháp luật; đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa du lịch biển và các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Link nội dung: https://chonghanggiavathitruong.vn/cuc-quan-ly-thi-truong-tinh-thanh-hoa-365.html