Hà Nội tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Chiều ngày 11/4/2025, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Hà Nội, trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế mới đối với hàng hoá Việt Nam. Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội cùng một số Hội viên tiêu biểu tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, nếu Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam, ước tính kim ngạch xuất khẩu của thành phố giảm từ 5-7%; tăng trưởng GRDP của thành phố giảm từ 0,3-0,5% trong năm 2025.

Các ngành xuất khẩu mũi nhọn như điện tử, máy móc thiết bị, dệt may, giầy dép và đồ gỗ (chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Hoa Kỳ) sẽ chịu tác động nặng nề nhất.

“Ảnh hưởng này là thách thức lớn đến mức tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 7% cũng như mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt trên 8% của thành phố Hà Nội”, Giám đốc Võ Nguyên Phong nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Võ Nguyên Phong phát biểu tại Hội nghị

Một số tác động khi Hoa Kỳ áp mức thuế 46%

Ngày 02/04/2025, tổng thống Hoa Kỳ ký sắc lệnh áp mức thuế nhập khẩu 46% đối với hàng hóa Việt Nam. Ngày 09/4/2025, tổng thống Hoa Kỳ giảm thuế đối ứng về mức cơ sở 10% trong vòng 90 ngày cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ bị áp thuế này để tạo điều kiện cho đàm phán thương mại, trong đó có Việt Nam. Theo dự kiến, việc áp thuế 46% sẽ có hiệu lực từ 08/7/2025.

Theo Sở Công thương, trong 5 năm qua, Hoa Kỳ luôn trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của thành phố Hà Nội với tỷ trọng từ 17-21,4%. Việc Hoa Kỳ áp thuế mới (nếu được áp dụng) đối với thành phố Hà Nội sẽ có tác động ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Các ngành xuất khẩu mũi nhọn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ như điện tử, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép và đồ gỗ chịu tác động nặng nề nhất, đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố Hà Nội (chiếm tỷ trọng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hà Nội sang Hoa Kỳ).


Hoa Kỳ áp mức thuế mới, các ngành xuất khẩu mũi nhọn như: điện tử, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép và đồ gỗ chịu tác động nặng nề nhất. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, mức tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng như: Sự suy giảm xuất khẩu sẽ kéo theo giảm sản xuất, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8% vào năm 2025  và tăng trưởng xuất khẩu 7% mà thành phố Hà Nội đã đặt ra. Mức thuế áp dụng trên có thể ảnh hưởng tới mức tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 5-7% và GRDP giảm 0,3-0,5%.

Đồng thời, suy giảm sức hút đầu tư nước ngoài: Chính sách thuế quan khắt khe của Hoa Kỳ có thể khiến Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng mất đi vị thế là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài (đặc biệt trong các ngành công nghiệp xuất khẩu như điện tử và máy móc), trong bối cảnh các nước khác có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Thuế quan cao có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam đối với FDI, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư.

Đặc biệt, việc Hoa Kỳ áp mức thuế mới sẽ tác động đến doanh nghiệp và người lao động.

Sau khi áp thuế: Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể phải cắt giảm sản xuất, giảm lợi nhuận, hoặc thậm chí đóng cửa. Người lao động trong các ngành xuất khẩu có thể bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập.

  Các ngành xuất khẩu sử dụng lớn lực lượng lao động Việt Nam, đặc biệt là dệt may và da giày, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Hoa Kỳ. Khi sản xuất bị thu hẹp, nguy cơ mất việc làm sẽ tăng lên, nhất là đối với lao động phổ thông, gây áp lực lên an sinh xã hội.

Đại diện Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội cùng doanh nghiệp tham dự Hội nghị

 Giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục theo dõi sát diễn biến, thay đổi trong chính sách thương mại của các nước lớn, trao đổi thường xuyên với các doanh nghiệp về nhu cầu thị trường. Kịp thời tham mưu các biện pháp hỗ trợ, ứng phó phù hợp theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND thành phố.

Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh, khi hàng hóa xuất khẩu của các nước tránh thị trường Hoa Kỳ sẽ cùng hướng tới phần còn lại có sức mua thấp hơn, thị phần hẹp hơn.

Phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước tổ chức đón các Đoàn doanh nghiệp, đối tác quốc tế đến khảo sát, làm việc, kết nối giao thương với doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực tiềm năng xuất khẩu của thành phố Hà Nội; tạo cơ hội cho doanh nghiệp thành phố Hà Nội tìm được bạn hàng, đối tác để có thể xuất khẩu hàng hóa trực tiếp sang thị trường nước ngoài.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đưa ra một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu thị trường Hoa Kỳ.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương Tại Hội nghị cũng đã đưa ra một số giải pháp ứng phó như: Các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng nguồn cung ứng, nguồn nguyên liệu từ Hoa Kỳ; Minh bạch chuỗi cung ứng, tuân thủ đúng quy định về quy tắc xuất xứ; Thay đổi tư duy, đa dạng thị trường; Lập kế hoạch chi tiết cho từng thị trường FTA và liên kết để tăng cường sức mạnh, thông qua Hệ sinh thái tận dụng FTA sắp được thành lập.

Sở Công Thương Hà Nội đề xuất UBND thành phố kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng; các tổ chức tín dụng tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận tín dụng.

Hồng Như – Minh Minh

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN