cđsd

Kon Tum: Liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều website thương mại điện tử bán hàng, vi phạm quy định của pháp luật

HATAP

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về việc kiểm tra, xử lý các Website có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Từ ngày 01 đến ngày 10/6/2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và tiến hành kiểm tra đối với 07 cơ sở kinh doanh trên địa bàn có sử dụng website thương mại điện tử bán hàng để hoạt động kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Qua kiểm tra, phát hiện và xử lý 04 cơ sở vi phạm. Trong đó có 01 doanh nghiệp, 03 hộ kinh doanh; Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Kon Tum đã ban hành 04 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 75.000.000 đồng vì đã có hành vi vi phạm “Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng”

Một số website thương mại điện tử bán hàng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng

Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Kon Tum) kiểm tra tại các cơ sở có hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định

Trước đó, qua rà soát thông tin trên môi trường mạng, Tổ Thương mại điện tử đã tham mưu Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum chỉ đạo, triển khai kiểm tra 08 vụ việc liên quan đến hoạt động thương mại điện tử; ban hành 08 quyết định xử phạt với tổng số tiền 93.000.000 đồng về các hành vi vi phạm: kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ…; tịch thu số lượng hàng hoá vi phạm có tổng trị giá 152.000.000 đồng; trị giá hàng hoá tiêu huỷ 18.460.000 đồng.

Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Kon Tum) đang kiểm tra tại các cơ sở sử dụng nền tảng mạng xã hội để kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ

Thương mại điện tử là một hình thức kinh doanh mới, đa dạng về đối tượng chủ thể, mặt hàng. Mọi cá nhân, tổ chức đều có khả năng tiếp cận để thực hiện hoạt động kinh doanh. Không ít trường hợp là do các cá nhân tự phát, không thực hiện đăng ký kinh doanh, không có địa điểm kinh doanh; phương thức kinh doanh chủ yếu thông qua trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… do đó tiềm ẩn nguy cơ về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; gian lận thương mại, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, quyền, lợi ích hợp pháp của các thương nhân chân chính.

Đây là vấn đề đang được Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo quyết liệt. Yêu cầu các Cục QLTT địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử./.

Nguyễn Công Thành Tiên

Cục QLTT Kon Tum

Nguồn : https://dms.gov.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN