cđsd

Một số điểm mới của Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử

HATAP

Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Nghị định số 85/2021/NĐ-CP có một số điểm mới sau:

Thứ nhất, quy định cụ thể hơn về thông tin hàng hóa, dịch vụ phải công bố trong giao dịch thương mại điện tử

Để đảm bảo tính minh bạch thông tin hàng hoá, dịch vụ trong hoạt động thương mại điện tử, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hóa những thông tin hàng hóa phải công khai trên website thương mại điện tử, bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.

Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện hoặc thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trên website thương mại điện tử bán hàng, người bán phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề và hàng hóa, dịch vụ đó.

Thứ hai, tăng cường trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong việc quản lý các giao dịch trên nền tảng của mình

Để tăng tính minh bạch, lành mạnh môi trường giao thương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP bổ sung một số trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT như sau: yêu cầu người bán nước ngoài cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 29 Nghị định 52, và các thông tin này phải được dịch sang tiếng Việt; gỡ bỏ thông tin hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đáp ứng nhu cầu phản ứng nhanh trong quá trình xử lý vi phạm trên môi trường điện tử; phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ để gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có căn cứ xác thực; Cung cấp thông tin với cơ quan nhà nước về thông tin các đối tượng có hành vi vi phạm, chủ động cập nhập từ khoá để lọc thông tin hàng hoá, dịch vụ theo khuyến cáo của cơ quan quản lý chức năng, đồng thời phải tham gia giải quyết khiếu nại, phản ánh và tranh chấp tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.

Nghị định số 85/2021/NĐ-CP quy định, sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có trách nhiệm chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Sàn giao dịch thương mại điện tử cũng có trách nhiệm là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn 2 bên tham gia.

Thứ ba, thu hẹp đối tượng thực hiện thủ tục thông báo với Bộ Công Thương

Qua thực tiễn triển khai Nghị định 52/2013/NĐ-CP thời gian qua cho thấy, nhiều website thương mại điện tử bán hàng có cấu trúc tĩnh, chỉ đưa thông tin giới thiệu doanh nghiệp và giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ, ít cập nhật thông tin, không có chức năng đặt hàng trực tuyến. Với những website dạng này, không có tương tác và giao dịch thực tế diễn ra trên website, do đó không phát sinh những vấn đề cần giám sát trên môi trường điện tử. Do đó, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến mới phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo với Bộ Công Thương.

                                               
 

    11-1694609601.jpeg  

 

Điểm mới Nghị định 85/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử (Ảnh minh hoạ)

Thứ tư, quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội

Mục tiêu thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ, hoàn thiện chính sách, tăng cường kiểm soát hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội, hạn chế hành vi lợi dụng mạng xã hội để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung mạng xã hội có một trong các đặc tính sau thì được coi là sàn giao dịch thương mại điện tử và phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lý giống như sàn giao dịch thương mại điện tử. (1) cho phép người tham gia mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; (2) cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; (3) có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ, đồng thời người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

22-1694609895.jpeg
 

Mua sắm hàng hóa trên môi trường mạng (nguồn Internet)

Thứ năm, quản lý người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử

Việc xác định chủ sàn giao dịch thương mại điện tử là người nắm giữ hệ thống công nghệ và quản lý toàn bộ thông tin về các giao dịch diễn ra trên sàn, Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định cụ thể trách nhiệm của chủ sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc quản lý người bán nước ngoài. Theo đó, chủ sàn sao dịch thương mại điện tử Việt Nam là người chịu trách nhiệm xác thực danh tính của người bán nước ngoài khi cho phép các đối tượng này tham gia mua bán hàng hoá trên sàn; quy định này cũng phù hợp với các quy định về việc xác thực danh tính của người bán nội địa trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Sàn giao dịch thương mại điện tử cũng có trách nhiệm đại diện cho người bán nước ngoài giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng, có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật Việt Nam

Khi có hoạt động bán hàng hoá của thương nhân, tổ chức nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử, chủ sàn có trách nhiệm yêu cầu người bán nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam thực hiện quyền xuất/nhập khẩu theo quy định của pháp luật; hoặc tổ chức việc thực hiện hoạt động nhập khẩu theo ủy thác của người mua đối với hàng hóa; hoặc yêu cầu thương nhân, tổ chức nước ngoài chỉ định đại lý thương mại của mình tại Việt Nam.

Thứ sáu, thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam

Nghị định 85/2021/NĐ-CP bổ sung quy định điều chỉnh đối với các thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam - là thương nhân, tổ chức vận hành website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đáp ứng một trong các tiêu chí sau: có tên miền Việt Nam; hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm. Thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương trong vòng 12 tháng kể từ ngày Nghị định 85/2021/NĐ-CP có hiệu lực.
Ngoài việc đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, những thương nhân, tổ chức nước ngoài này phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện ủy quyền của mình tại Việt Nam. Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn các giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật; thực hiện nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện nghĩa vụ báo cáo với Bộ Công Thương số liệu thống kê về tình hình hoạt đọng của năm trước đó.

Thứ bảy, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Hoạt động thương mại điện tử là ngành, nghề tiếp cập thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Nghị định 85/2021/NĐ-CP bổ sung các điều kiện tiếp thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: (1) Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Luật Đầu tư; (2) Nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ 1 doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm 5 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ thương mại điện tử theo danh sách do Bộ Công Thương công bố phải có ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại điểm này không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan. Việc đánh giá yếu tố chi phối và vị trí thống lĩnh thị trường được căn cứ vào quy định hiện hành theo pháp luật cạnh tranh, pháp luật doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Thứ tám, hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử

Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về quy trình đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Theo đó, việc nộp, tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn.

Trần Mạnh Hùng

Cục QLTT Cao Bằng

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN