cđsd

Một vài ý kiến về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

HATAP

Doanh nghiệp ngày càng có vị trí quan trọng trong xã hội, là nguồn sống, là nền tảng, trái tim của nền kinh tế.

Đến nay, sau 37 năm đổi mới đã có 10 triệu doanh nhân, 900.000 doanh nghiệp được thành lập, đóng góp 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho trên 15 triệu lao động. Doanh nhân và doanh nghiệp phát triển, kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, sẽ góp phần quan trọng đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Sự phát triển của doanh nghiệp không tách rời với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng là một trong những mục tiêu tổng quát được đề cập trong Nghị quyết 41/NQ-TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Luật sư Bùi Văn Thành

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR), là cam kết và hành động của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường. Khái niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” do ông Kofi Anan khi đương nhiệm là tổng thư ký Liên hiệp quốc (United Nations) đề xướng năm 1999, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm xã hội. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, một lần nữa CSR được thúc đẩy trở thành trào lưu cho đến ngày nay. Dưới đây là một vài ý kiến về việc doanh nghiệp có thể làm để đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường, hội nhập kinh tế quốc tế:

Áp dụng các chỉ tiêu phát triển bền vững trong định hướng phát triển, chiến lược và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp: CSR là kinh doanh bền vững, nhưng có ba chỉ tiêu lớn để đánh giá đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, lần lượt là bảo vệ môi trường (E-environment), trách nhiệm xã hội (S-social) và quản trị doanh nghiệp (G–governance). Doanh nghiệp cho dù đầu tư kinh doanh trong nước hay hội nhập quốc tế, tùy theo ngành nghề kinh doanh, cũng cần quan tâm đến sự đóng góp của mình trong việc thực hiện những chỉ tiêu cụ thể trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, như: Chấm dứt nghèo đói dưới mọi hình thức ở mọi nơi; Đảm bảo lương thực, chấm dứt nạn đói và thúc đẩy nông nghiệp bền vững; Đảm bảo và thúc đẩy cuộc sống khỏe mạnh và phúc lợi cho mọi lứa tuổi; Đảm bảo giáo dục công bằng, chất lượng cao và thúc đẩy học tập suốt đời; Đảm bảo bình đẳng giới thực chất và trao quyền cho phụ nữ; Đảm bảo khả năng tiếp cận nước, y tế và quản lý bền vững cho tất cả mọi người; Đảm bảo tất cả mọi người đều có thể tiếp cận năng lượng với giá có thể chấp nhận được, tin cậy, bền vững và hiện đại; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, đảm bảo việc làm phù hợp cho mọi người; Xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương, thúc đẩy ngành công nghiệp bền vững, tăng cường thúc đẩy sáng tạo; Giảm bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia; Xây dựng các thành phố và khu vực nông thôn an toàn và bền vững; Thúc đẩy nền kinh tế xanh và đảm bảo các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; Chuẩn bị các biện pháp toàn diện để ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động của nó; Bảo vệ và duy trì hệ sinh thái biển nhằm đảm bảo đa dạng sinh học và ngăn ngừa thiệt hại cho môi trường biển; Bảo tồn và duy trì hệ sinh thái lục địa, đảm bảo đa dạng sinh học và ngăn chặn tình trạng hủy hoại đất đai; Thúc đẩy xã hội hòa bình, đảm bảo tư pháp bình đẳng và xây dựng thể chế tin cậy và quảng nạp dân ý; Thiết lập quan hệ đối tác đa dạng và cùng nhau hợp tác để thúc đẩy tầm nhìn bền vững

Xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, bình đẳng trong đối xử với người lao động: Trong tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu, bên mua khi đánh giá, kiểm tra nhà xưởng của nhà cung cấp (vendors) thường rất quan tâm đến việc tuân thủ pháp luật lao động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nếu xảy ra hoặc tồn tại những hành vi sau đây sẽ không được bên mua chấp nhận là nhà cung cấp:Phân biệt đối xử trong lao động Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động; Quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật; Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật; Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; Vi phạm pháp luật lao động nước sở tại về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh nơi làm việc. Ngược lại, để sản phẩm của mình sản xuất ra có thể xuất bán vào các thị trường Âu Mỹ...các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đặc biệt lưu ý rà soát, đánh giá việc tuân thủ pháp luật lao động nước sở tại của các nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, gia công xuất khẩu nước ngoài cho mình, đặc biệt lưu ý rà soát đánh giá nhà cung cấp nước ngoài có sử dụng lao động cưỡng bức hay không, có tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của nước sở tại hay không.

Xây dựng văn hóa nơi làm việc của doanh nghiệp: Đây là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc sống nghề nghiệp của người lao động. Những yếu tố có thể định lượng tình hình hoạt động của doanh nghiệp, môi trường làm việc, mà còn cho thấy mức độ tương tác giữa các nhóm và người lao động cũng như mức độ hạnh phúc của người lao động tại nơi làm việc. Trong đó, doanh nghiệp có thể tham khảo áp dụng những chỉ tiêu đánh giá cụ thể dưới đây: (1) Mức độ “giữ chân người lao động”: Biến động nhân viên là một chỉ số mạnh mẽ về văn hóa doanh nghiệp. Người lao động vui vẻ, gắn bó và có cơ hội phát triển liên tục sẽ có nhiều khả năng làm việc lâu dài cho doanh nghiệp; (2) Sứ mệnh và giá trị rõ ràng: Văn hóa doanh nghiệp tốt đẹp không thể hình thành một cách tự nhiên, mà nó phải được thể hiện trong toàn bộ tổ chức doanh nghiệp, được lãnh đạo và nhân viên ở mọi cấp độ ghi nhớ và thực hiện, được nhận biết trong tất cả các hoạt động truyền thông nội bộ và bên ngoài của doanh nghiệp; (3) Người lao động không chỉ là đồng sự, mà còn là bạn của nhau: Môi trường làm việc tuyệt vời là nơi ươm mầm những tình bạn thực sự. Khi các đồng nghiệp chọn ở bên nhau, thậm chí bên ngoài địa điểm làm việc, sẽ thúc đẩy họ thực hiện công việc phải làm năng động và hiệu quả; (4) Người lao động tham gia xây dựng môi trường làm việc: Văn hóa công ty tốt hỗ trợ sự gắn kết và mang lại những cơ hội tích cực, vui vẻ để người lao động cùng nhau thực hiện công việc phải làm, phát triển cá nhân trong và ngoài giờ làm việc. Sự thành công của văn hóa doanh nghiệp còn được thể hiện ở mức độ tham gia của từng người lao động. Ví dụ: nếu doanh nghiệp tài trợ cho một sự kiện từ thiện và được hầu hết người lao động tự nguyện tham gia, thì cho thấy người lao động gắn bó và hào hứng với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; (5) Minh bạch: Việc thiếu đối thoại, trao đổi sẽ tạo ra văn hóa bất an và khó lường. Văn hóa tích cực nơi làm việc ủng hộ tính minh bạch để người lao động đối thoại và nhận biết rõ vị trí của họ và định hướng phát triển của doanh nghiệp; (6) Đa dạng: Các doanh nghiệp và tổ chức lớn thường có sự đa dạng trong tuyển dụng, ý tưởng và cách tiếp cận; (7) Chúc mừng thành công: Các doanh nghiệp lớn thường có quy trình rõ ràng để ghi nhận thành tích của người lao động, ít nhất là hàng tháng hoặc hàng tuần, cho thấy sự ưu tiên ghi nhận hiệu suất và tuyên bố với mọi người về giá trị mà người lao động đó mang lại; (8) Lãnh đạo gần gũi: Người lao động ủng hộ người lãnh đạo minh bạch, dễ tiếp cận, trung thực và chân thành. Lãnh đạo với vai trò là người đứng đầu và trung tâm của doanh nghiệp, nếu giúp mọi người có thể tiếp cận được họ sẽ tạo ra cảm giác “tất cả chúng ta cùng tham gia vào việc này”, người lao động cảm thấy đam mê hơn với những gì họ đang cố gắng đạt được, hài lòng với sứ mệnh của doanh nghiệp; (9) Môi trường làm việc thoải mái: Sẽ quyết định phần lớn cảm nhận của người lao động về công việc họ phải làm và về người sử dụng lao động (doanh nghiệp). Một không gian làm việc thoải mái, tiện nghi và phúc lợi góp phần đáng kể vào thúc đẩy tinh thần làm việc của người lao động; (10) Thiết lập một môi trường làm việc tích cực là một trong những nội dung của văn hóa doanh nghiệp, để mọi người lao động đều cảm thấy được trân trọng và công nhận, không có những lời đàm tiếu và vu khống. Có thể có số ít tranh chấp xảy ra, nhưng trong một nền văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, trường hợp này chỉ là ngoại lệ; (11) Duy trì cơ hội phát triển chuyên môn: Sự hài lòng trong công việc có liên quan chặt chẽ đến cơ hội phát triển, thăng tiến, học hỏi, cải thiện và mở rộng kỹ năng của người lao động. Các doanh nghiệp cần có cơ sở vật chất tốt để hỗ trợ sự phát triển của người lao động, cả về triết lý cũng như nguồn lực và chi phí thực tế, thực hiện cam kết phát triển nghề nghiệp của người lao động và phát triển mạnh mẽ ý thức văn hóa của họ.

Thực hiện trách nhiệm xã hội trong bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ: Doanh nghiệp không chỉ kinh doanh sinh lợi càng nhiều cho thành viên hoặc cổ đông, mà còn phải quan tâm đến quyền và lợi ích của các bên có liên quan. Khi bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ, nếu doanh nghiệp nếu không thực hiện trách nhiệm xã hội thì sẽ rất khó được người tiêu dùng chấp nhận. Thực hiện trách nhiệm xã hội đã trở thành một trong những điều kiện tất yếu để phát triển doanh nghiệp bền vững, thể hiện trong toàn bộ quá trình sản xuất, gia công, phân phối bán hàng và cung cấp dịch vụ. Hàng hóa, dịch vụ được xác lập, định giá theo cơ chế thị trường, nhưng không thể tính lợi nhuận cao phi lý hoặc các hành vi phi đạo đức khác. Cung cấp thông tin và quảng cáo về sản phẩm đầy đủ, trung thực. Không quảng cáo những hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật và những loại hàng hóa cấm quảng cáo, như thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, thuốc kê đơn…Thực hiện cam kết về giá bán hàng hóa tốt nhất cho bên mua khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực hiện liêm chính doanh nghiệp, không thực hiện hành vi hối lộ khi bán hàng, cung cấp dịch vụ. Chống nâng khống giá. Thực hiện cam kết nghiêm ngặt cam kết về an toàn sức khỏe trong sản xuất và phân phối hàng hóa, nhất là đối với thực phẩm, thuốc chữa bệnh. Không sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ trong quá trình sản xuất và phân phối bán hàng, cung cấp dịch vụ.

Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng, môi trường: Thực hiện tốt luật môi trường, trọng tâm là thực hiện trình tự thủ tục lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thực hiện đầy đủ nội dung giấy phép môi trường, các công trình và thiết bị bảo vệ môi trường, quan trắc môi trường, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn xả thải ra môi trường theo quy định của pháp luật, như chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải, tiếng ồn, nước thải…Không để xảy ra hành vi vi phạm luật môi trường. Mọi doanh nghiệp, cho dù với loại hình nào, quy mô hoạt động hoặc vị thế nào, đều có thể thực hiện ISO 26000 hướng dẫn về trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp, đưa những nguyên tắc được hướng dẫn thành hành động thiết thực hiệu quả.

Thực hiện bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam với 5 yêu cầu bắt buộc, 19 tiêu chí cụ thể và 51 chỉ số đánh giá, đo lường. 5 yêu cầu bắt buộc gồm: Không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; không vi phạm pháp luật. Các tiêu chí đánh giá gồm 5 nhóm: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững, Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp, Thượng tôn pháp luật, Đạo đức kinh doanh, Trách nhiệm xã hội. Trong đó nhóm “Trách nhiệm” xã hội đưa ra nhiều tiêu chí về chuẩn mực quản lý môi trường, tham gia vào tiến trình xây dựng chính sách của Nhà nước, đóng góp từ thiện, hỗ trợ phát triển cộng đồng cũng như có chính sách ưu tiên sử dụng nhân sự, nguyên liệu, sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam.

Luật sư Bùi Văn Thành

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN