cđsd

NSƯT Hương Giang làm mới tình khúc “Mùa Xuân Làng Lúa Làng Hoa” của nhạc sỹ Ngọc Khuê

HATAP

Trong đêm giá lạnh Hồ Tây ấy, 'Mùa xuân' bỗng bừng lên, xanh tươi và dào dạt qua giọng hát Hương Giang với 'Mùa xuân làng lúa làng hoa'. Qua phần trình diễn trên sân khấu, ta thấy Hương Giang đã xử lý tài tình các tình huống âm nhạc để làm nở hoa các ý tưởng nghệ thuật như những nụ hoa đang chúm chím gặp nắng xuân bung ra những cánh hoa tươi thắm, ngào ngạt hương thơm.

Ca khúc “Mùa xuân làng lúa làng hoa” của nhạc sĩ Ngọc Khuê đã trở thành một biểu tượng cho mùa xuân và cuộc sống tươi đẹp tại Hà Nội. Được sáng tác vào năm 1981, ca khúc này gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Ngọc Khuê và đã giúp ông nhận được Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2012.

Mùa xuân làng lúa làng hoa”, bài hát đã đi cùng năm tháng qua biết bao giọng hát dào dạt tình cảm, mà người đầu tiên hát là Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hóa, đằm thắm, thiết tha. Thế nhưng, trong mùa xuân này, được nghe Nghệ sĩ Ưu tú Hương Giang hát tại chính mảnh đất Hồ Tây huyền thoại, quê hương của bài hát, bỗng thấy có gì đó mới lạ - êm đềm hơn mà cũng náo nức hơn. Một làng lúa, làng hoa bát ngát trải ra trong tâm trí người nghe, xanh tươi bao la, đầy sức cuốn hút. Một kinh thành Thăng Long ẩn hiện, hào hoa và linh thiêng.

Video NSƯT Hương Giang trình bày ca khúc "Mùa Xuân - Làng Lúa, làng hoa" của Nhạc sỹ Ngọc Khuê

Trong sự kiện nghệ thuật “Sắc Xuân Đất Việt” diễn ra tại Hồ Tây tối 27 tháng 01 năm 2024, nhạc sĩ Ngọc Khuê, tác giả của “Mùa xuân làng lúa làng hoa” tâm sự rằng, trong một chuyến du ngoạn ở vùng Hồ Tây, ông bất chợt nhìn thấy một cánh đồng mà một bên là bát ngát lúa, một bên là ngập tràn hoa, khiến cảm xúc trào dâng trong ông về một thành phố hào hoa và linh thiêng, từ đó ca khúc ra đời.

Vậy, làm thế nào để thể hiện được chất linh thiêng và hào hoa tích hợp trong ca khúc? Hương Giang đã nghiên cứu rất kỹ tác phẩm và nhận ra rằng, với ca khúc này, một bản phối không phải là vấn đề lớn, mà vấn đề là xử lý bố cục của tác phẩm để đạt được ý tưởng nghệ thuật.

Trong đêm giá lạnh Hồ Tây ấy, “Mùa xuân” bỗng bừng lên, xanh tươi và dào dạt qua giọng hát Hương Giang với “Mùa xuân làng lúa làng hoa”. Qua phần trình diễn trên sân khấu, ta thấy Hương Giang đã xử lý tài tình các tình huống âm nhạc để làm nở hoa các ý tưởng nghệ thuật như những nụ hoa đang chúm chím gặp nắng xuân bung ra những cánh hoa tươi thắm, ngào ngạt hương thơm. Đoạn mở đầu, Hương Giang hát chậm rãi hơn so với các ca sĩ khác. Cách hát bay, nhẹ, tinh tế, sang trọng của Hương Giang khiến cho ca khúc vượt lên trên ca khúc bình thường, trở thành một bản romance nhỏ xinh xắn về mùa xuân tươi đẹp...

giang1-1708095987.jpg
NSƯT Hương Giang đã góp phần làm mới ca khúc "Mùa Xuân Làng Lúa Làng Hoa" của Nhạc sỹ Ngọc Khuê và biểu diễn ngay tại Hồ Tây nơi mà ca khúc ra đời gây được ấn tượng mạnh với khán giả  

Giọng hát được tiết chế, nhẹ nhàng, êm ả, diễn tả sinh động cánh đồng lúa và cánh đồng hoa đang dập dờn gợn sóng trong gió xuân, cũng như những rung động đầu tiên của nhạc sĩ với cảnh sắc hoa lệ của đất Kinh đô ngàn năm văn hiến. Cách nhả chữ của Hương Giang chắc chắn, trân trọng cũng khiến người nghe hình dung được khung cảnh Thăng long linh thiêng đang bao bọc cho làng lúa làng hoa hào hoa này. Trong phần mở đầu này, Hương Giang đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho phần sau, phần phát triển của ca khúc.

Trong phần phát triển, tài tình ở chỗ không cần một câu nhạc chuyển, Hương Giang hát liền mạch mà vẫn thể hiện sinh động sự chuyển đoạn mạnh mẽ cả về tiết tấu và giai điệu. Tốc độ bài hát được đẩy lên, nhanh hơn, dào dạt hơn. Cảm xúc được chuyển sang hứng khởi, tươi vui lúc nào không biết. Tất cả những gì mà tác giả muốn gửi gắm được gói chặt trong ý tứ âm nhạc và ca từ, được Hương Giang mở tung ta, với cách nhấn trọng âm, vuốt nhẹ những nốt cuối câu, khiến cho tất cả được hòa trộn trong một không gian nghệ thuật náo nức đầy âm thanh và mầu sắc.

Trong không gian nghệ thuật ấy có trời xanh bao la, nắng xuân vàng nhẹ, có cái lành lạnh nao lòng, có hoa, có lúa, có hương, sắc của đất trời, có tình yêu và mùa xuân. Với sự phong phú về cảnh quan và cảm xúc, đây là điểm nhấn của ca khúc. Hương Giang đã tiếp cận bài hát một cách độc đáo so với các ca sĩ trước đó - sau phần nhạc chuyển đoạn, cô không quay lại phần đầu mà thẳng tiến vào phần điệp khúc, tạo ra một hiệu ứng nhấn mạnh đáng chú ý. Thêm vào đó, phần điệp khúc được trình bày hai lần trong phần hát thứ hai, làm nổi bật chủ đề âm nhạc. Phương pháp tiếp cận này không làm thay đổi cấu trúc của tác phẩm mà chỉ điều chỉnh bố cục, nhưng lại mang lại hiệu quả nghệ thuật tuyệt vời.

giang3-1708096250.jpg
Làm mới ca khúc "Mùa Xuân Làng Lúa Làng Hoa" nằm trong dự án phát triển âm nhạc của NSƯT Hương Giang trong năm 2023 

Cách xử lý trên đã khéo léo, nhưng chưa thật sự phá cách. Hương Giang đã tạo ra một điểm nhấn đầy sáng tạo ở câu kết - sau khi trình bày câu kết theo nguyên bản của tác giả, Hương Giang đã thêm vào một đoạn vocali (xướng âm) với những nốt cao vút, càng về sau càng tăng cao và kết thúc ở nốt cao nhất, kéo dài. Đó mới là sự độc đáo; Hương Giang đã mở rộng không gian âm nhạc để “khoe” giọng hát cao vút, mượt mà của mình, làm cho tác phẩm thêm phần rực rỡ. Mùa xuân trong tác phẩm của nhạc sĩ Ngọc Khuê bỗng chốc tràn đầy, mênh mông và vô tận, hòa mình vào mùa xuân của đất trời và cảm xúc con người, cùng vút lên theo giọng hát, như đang bay lượn trong bầu trời linh thiêng của Thủ đô!

Trong phần chính (điệp khúc), Hương Giang đã tái hiện một cách sinh động vẻ đẹp hào hoa của Thủ đô qua những cánh đồng lúa, đồng hoa, bầu trời, tình người…trong giai điệu của Ngọc Khuê. Với phần kết thúc bằng vĩ thanh đầy sáng tạo của mình, dựa trên việc tôn trọng tính nguyên bản của tác phẩm, Hương Giang đã thành công trong việc truyền đạt ý đồ nghệ thuật của tác giả về tính linh thiêng của Thăng Long - Hà Nội.

z5166815339220-fd3609a3fc8120d9794aa37cdebcb955-1708139660.jpg

NSƯT Hương Giang cũng thể hiện xuất sắc ca khúc "Khắc ghi tên Người Bác Ba Lê Duẩn" của Nhạc sỹ Ngọc Khuê góp phần đưa ca khúc này đạt Giải thưởng Âm nhạc năm 2023 

 

Ca khúc “Mùa xuân làng lúa làng hoa” lan tỏa trong không khí giá lạnh của đêm cuối năm âm lịch, khiến mọi người cảm thấy ấm áp, tươi mới như mùa xuân đang đến. Hàng trăm khán giả im lặng nghe như nuốt từng lời ca. Chính tác giả của ca khúc cũng bất ngờ và lặng đi trong sự đồng điệu nghệ thuật cùng ca sĩ.

Hương Giang đã thể hiện sự tỉ mỉ và ý thức rõ ràng trong việc cải biên tác phẩm, luôn giữ gìn tính nguyên bản của tác phẩm gốc. Để thực hiện điều này, cô đã nghiên cứu kỹ lưỡng tác phẩm dựa trên văn bản gốc, hiểu rõ từng ca từ, âm nhạc, các thủ pháp nghệ thuật, và thông điệp, tư tưởng của tác phẩm. Hương Giang thường thảo luận với nhạc sĩ để tạo ra một bản nhạc đệm (beat) phù hợp. Cô không bao giờ làm tổn thương cấu trúc âm nhạc hay xâm phạm vào tiết tấu, giai điệu của tác phẩm. Mỗi nốt nhạc của tác giả đều được Hương Giang tôn trọng và giữ nguyên. Cô đã làm mới tác phẩm bằng cách điều chỉnh tốc độ, bố trí nhạc cụ, và bản nhạc đệm để chuyển tải tinh thần của tác phẩm một cách tốt nhất. Cô còn sáng tạo ở những phần phụ của tác phẩm, ví dụ như đoạn dạo đầu, dạo giữa đoạn, hoặc sau phần kết thúc.

giang5-1708096638.jpg
Làm mới các ca khúc đã đi cùng năm tháng với NSƯT Hương Giang là việc làm góp phần lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, truyền cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho giới trẻ 

Một số tác phẩm mà Hương Giang đã cải biên thành công bao gồm “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, “Một mùa xuân nho nhỏ”, “Mùa xuân bên cửa sổ”…Đặc biệt, cô đã dũng cảm thể hiện tác phẩm “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, mặc dù tác phẩm ban đầu dành cho giọng nam, nhưng Hương Giang đã thành công trong việc chuyển đổi và thể hiện bằng giọng nữ cao của mình.

Con đường nghệ thuật của Hương Giang đang trải rộng, đưa cô tham gia vào nhiều sự kiện nghệ thuật lớn và các chương trình của các Đài truyền hình Trung ương, cũng như tham gia nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng. Mùa xuân nghệ thuật của Hương Giang đang đạt đến độ đẹp nhất, với những bông hoa nghệ thuật nở rộ, mang lại biết bao hương sắc cho cuộc sống!

Thượng tá, Nghệ sĩ Ưu tú Hương Giang (Nguyễn Thị Hương Giang), Giảng viên Thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Cô sinh ngày 9 tháng 9 năm 1976 trong một gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật ở Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông bà nội của cô đã lập gánh hát từ sớm để phục vụ nhân dân và bộ đội. Chú ruột của cô là nhạc sĩ An Thuyên. Gia đình cô có 9 anh chị em, trong đó anh cả là Nghệ sĩ nhân dân An Phúc, một nghệ sĩ chèo nổi tiếng. Hương Giang theo học thanh nhạc tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội từ năm 1994 đến năm 1997. Sau khi tốt nghiệp, cô tình nguyện về công tác tại Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 và gắn bó với đơn vị này trong 6 năm. Năm 2003, cô tiếp tục theo học tại trường Đại học Văn hoá - Nghệ thuật Quân đội và tốt nghiệp năm 2008. Sau khi ra trường, cô chuyển sang công tác tại Nhà hát Quân đội, nơi cô được rèn luyện và phát triển tài năng ca hát, đồng thời tham gia biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật lớn của Bộ Quốc phòng và Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện nay, cô là giảng viên thanh nhạc tại trường Đại học Văn hoá - Nghệ thuật Quân đội. Hương Giang đã giành huy chương vàng trong một vở opera, trở thành người đầu tiên đạt thành tích này. Cô cũng đạt được nhiều giải thưởng và huy chương trong lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm huy chương vàng và bạc tại các cuộc thi biểu diễn múa và âm nhạc dân tộc. Năm 2016, cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2022, cô được Bộ Quốc phòng vinh danh là Phụ nữ tiêu biểu toàn Quân giai đoạn (2012 – 2022). Năm 2023, cô cùng chồng là Nhà báo Vương Xuân Nguyên triển khai dự án "Sử dụng kỹ thuật thanh nhạc vào giảng dạy và thực hành biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca".
Nhạc sĩ, Tiến sỹ Phạm Việt Long
ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN