cđsd

Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Trị

HATAP

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị được thành lập theo Quyết định số 472/QĐ-UBND ngày 20/3/2012 của UBND tỉnh Quảng Trị và được tổ chức lại theo Quyết định số 1225/QĐ-UBND ngày 11/05/2022 của UBND tỉnh Quảng Trị và đã hoàn thành việc kiện toàn, tổ chức lại bộ máy theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 đối với Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát và Ban điều hành Quỹ, làm cơ sở triển khai thực hiện và thực thi một cách có hiệu quả chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, có nhiệm vụ vận động, tiếp nhận và quản lý nguồn tài chính hỗ trợ ngân sách Nhà nước, các khoản đóng góp bắt buộc, tài trợ, nguồn vốn viện trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước,… liên quan đến chính sách bảo vệ và phát triển rừng.

Bắt đầu từ năm 2023, Quảng Trị là một trong 6 địa phương Bắc Trung Bộ được thí điểm nhận nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng với tổng 51,5 triệu USD từ Quỹ Carbon thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế chuyển đến các tỉnh theo quy định. Nguồn thu từ ERPA là nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đối với loại hình dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh theo quy định Luật Lâm nghiệp 2017 được chi trả theo quy định tại Nghị định 107/2022/NĐ-CP.

Cuối năm 2023, tỉnh Quảng Trị có hơn 126.000 ha rừng tự nhiên được chi trả từ nguồn thu ERPA. Theo quyết định phê duyệt tài chính của UBND tỉnh này, từ nguồn thu trên, trong năm 2023 sẽ chi trả khoảng 17,9 tỉ đồng và 2 năm tiếp theo là gần 33,2 tỉ đồng cho các đối tượng hưởng lợi.

 

Để làm tốt việc này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh này đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền nguồn ERPA qua nhiều hình thức như: Cấp phát ấn phẩm tuyên truyền gồm 300 bộ áo mưa, 200 mủ bảo hiểm có in logo tuyên truyền về ERPA phát cho đối tượng chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và tổ tuần tra bảo vệ rừng của các chủ rừng là tổ chức; Xây mới 15 bảng tuyên truyền; Mở 4 lớp tập huấn cho đối tượng UBND xã, Cộng đồng, nhóm hộ nhằm giới thiệu về Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng BTB (ERPA) và hướng dẫn các chủ rừng xây dựng kế hoạch tài chính; Tổ chức truyền thông lồng ghép ở điểm trường: phối hợp với Trường THPT Cấp 3 Cam Lộ tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng tìm hiểu về Thỏa thuận ERPA và Chính sách chi trả DVMTR; Tổ chức 4 đợt đi tuyên truyền lưu động tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông; Hợp đồng với VTV8 thực hiện 2 phóng sự truyền hình. Các hoạt động trên đã mang mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho các cộng đồng dân cư trong công tác tuần tra bảo vệ rừng và sử dụng có hiệu quả tiền DVMTR được chi trả hàng năm.

Chính sách chi trả DVMTR ra đời đã tạo ra một bước đột phá trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nói riêng và của ngành lâm nghiệp nói chung. Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hóa ngành lâm nghiệp, huy động tất cả các nguồn lực của xã hội đồng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Đây là một trong những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã từng bước lan tỏa, tạo ra chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Hoàng Sơn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN