Ông Phạm Văn Tuấn – Phó chủ tịch Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị
Thực trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xuất hiện ở mọi nơi, từ mặt hàng thông thường đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến tư liệu sản xuất... Đây là nguy cơ lớn đối với các nhà sản xuất trong nước, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, sản xuất, ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính…. Tại Văn bản số 6512/VPCP-V1, ngày 12/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lấy ngày 29/11 hằng năm làm ngày “Phòng chống hàng giả, hàng nhái”, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, làm rõ hơn tác hại của tệ nạn sản xuất hàng giả, hàng nhái đến sự phát triển chung của toàn xã hội.
Cùng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, hội nhập thương mại tự do hiệu quả, công tác chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam. Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái ra đời là hoạt động thiết thực để nâng cao nhận thức của toàn xã hội tham gia chống hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngăn chặn vấn nạn nhức nhối này đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng với một quá trình bền bỉ, cả hệ thống chính trị và sự nghiêm khắc của pháp luật. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục đầu tư công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, nhất là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… để từng nước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.
Từ năm 2020 đến nay, các lực lượng chức năng trong toàn quốc đã phát hiện và xử lý 3.641 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) trong tổng số 191.467 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chiếm tỷ lệ 1,9%; năm 2021 phát hiện xử lý 2.299 vụ/138.077 vụ buôn lậu, gian lận thương mại chiếm tỷ lệ 1,6%; năm 2022 (3.692 vụ/139.758 vụ) chiếm 2,6%; năm 2023 (5.464 vụ/146.678 vụ) chiếm 3,7%; 9 tháng đầu năm 2024 (4.301 vụ/103.680 vụ) chiếm tỷ lệ 4,1%.
Từ kết quả trên cho thấy, số vụ việc phát hiện và xử lý (hành chính và hình sự) về hàng giả, vi phạm SHTT được phát hiện và xử lý tăng dần qua các năm, thể hiện sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, lực lượng chức năng, cơ quan, tổ chức đoàn thể, hiệp hội ngành nghề trong đó có vai trò của HATAP.