cđsd

Giảm cân NaT.Slim do Boss Đoàn Việt Hương phân phối có dấu hiệu lưu hành hàng giả, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng?

Huy Hoàng

Mặc dù đơn vị Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Be.star khẳng định không sản xuất sản phẩm giảm cân NaT.Slim nhưng sản phẩm này vẫn đang được bán tràn lan ngoài thị trường. Vậy có hay không việc sản phẩm giảm cân NaT.Slim của CTCP đầu tư và phát triển Vicicorp đang lưu hành hàng giả ra thị trường?

Mập mờ về nguồn gốc xuất xứ?

Thời gian gần đây, Tạp chí Thương Trường tiếp nhận nhiều phản ánh của người tiêu dùng về việc sau khi sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung NaT.Slim mang thương hiệu Vicicorp có triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu…

Cụ thể, độc giả tên P.N – Hoài Đức, Hà Nội phản ánh về việc bị ảnh hưởng đến sức khỏe, do sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung NaT.Slim do trang facebook Đoàn Việt Hương bán cho chị. Chị N. cho biết, sau sinh và cho con bú nên chị ăn uống thoải mái khiến cho cân nặng của chị tăng không kiểm soát. Vì đã cho con cai sữa và để chuẩn bị đi làm lại nên chị đã tìm hiểu các phương thức giảm cân. Thấy trên mạng quảng cáo nhiều về sản phẩm giảm cân NaT.Slim mang thương hiệu Vicicorp nên chị đã quyết định mua về dùng.

Trong quá trình tìm hiểu, chị đã tiếp cận tại một tài khoản facebook có tên là Đoàn Việt Hương- người được giới thiệu là Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Vicicorp- đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng và phân phối sản phẩm có địa chỉ tại liền kề 223- khu đô thị Lacasta phường Phú La quận hà Đông, Hà Nội. Quá trình trao đổi, người này cho biết, đây là địa chỉ uy tín bán hàng giảm cân chính hãng nên mua tại đây sẽ không phải lo lắng về chất lượng sản phẩm.

Quá tin tưởng nên chị đã đặt mua và uống theo hướng dẫn sử dụng, tuy nhiên chỉ 3 ngày chị đã cảm thấy bị hoa mắt, chóng mặt, tiêu chảy. Hơn 1 tuần nghỉ ngơi chị mới khỏe lại. "Đúng là tôi cả tin mấy cái sản phẩm lung tung quá. Cũng rất may không ảnh hưởng đến tính mạng…”, chị N. bức xúc nói.

Giảm cân NaTSlim do Boss Đoàn Việt Hương phân phối có dấu hiệu lưu hành hàng giả gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng

Khách hàng bị hoa mắt, chóng mặt, tiêu chảy sau 3 ngày sử dụng sản phẩm NaT.Slim được mua từ facebook có tên là Đoàn Việt Hương.

Từ phản ánh của chị N., phóng viên tìm hiểu thông tin được biết, sản phẩm NaT.Slim đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội với những từ ngữ “thần thánh hóa” như "cam kết giảm 5-7kg trong một tháng..." và được bán ra thị trường với số lượng rất lớn. Đơn vị phân phối sản phẩm NaT.Slim là CTCP Đầu tư và Phát triển Vicicorp, đại diện pháp luật là ông Vũ Đức Cường.

Tiếp nhận phản ánh trên, phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm bổ sung NaT.Slim qua nhiều kênh kinh doanh khác nhau.

Tiếp cận đến tài khoản facebook Đoàn Việt Hương với vai trò là chủ một hiệu thuốc có nhu cầu kinh doanh phân phối sản phẩm tăng giảm cân và muốn nhập số lượng là 20 sản phẩm, phóng viên yêu cầu xuất hóa đơn để chứng minh hàng chính hãng và rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, bà Đoàn Việt Hương cho biết: "Công ty em không xuất hóa đơn vì liên quan đến thuế của Công ty, thường thì Công ty chủ yếu bán online là chính chứ không xuất được hóa đơn chị ạ".

Giảm cân NaTSlim do Boss Đoàn Việt Hương phân phối có dấu hiệu lưu hành hàng giả gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng

Tài khoản facebook Đoàn Việt Hương quảng cáo sản phẩm thực phẩm bổ sung NaT.Slim với công dụng như "thần dược", "30 ngày giảm xuống 4-6kl"

Tuy nhiên khi tìm nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì không thể tìm được dòng chữ ghi địa chỉ sản xuất mặc dù chiếc hộp rất to và còn khá “nhiều chỗ trống”, chỉ ghi chung chung là “sản xuất tại Việt Nam”.

Lưu hành hàng giả của nhà máy?

Để làm rõ nguồn gốc của sản phẩm giảm cân NaT.Slim, lần theo thông tin số tự công bố trên bao bì sản phẩm 01/vicicorp/2023 thì được biết sản phẩm giảm cân NaT.Slim được sản xuất tại Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Be.star. Cùng với đó, theo thông tin của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng cho thấy, Thực phẩm bổ sung NaT.Slim được Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Vicicorp có địa chỉ tại Liền kề 223, khu đô thị Lacasta, Phường Phú La, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội tự công bố vào ngày 20/04/2023.

Để khách quan thông tin, phóng viên cũng đã mang sản phẩm NaT.Slim được mua tại tài khoản facebook bà Đoàn Việt Hương qua làm việc với đơn vị sản xuất.

Giảm cân NaTSlim do Boss Đoàn Việt Hương phân phối có dấu hiệu lưu hành hàng giả gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng

Bao bì sản phẩm thực phẩm bổ sung NaT.Slim không ghi đơn vị sản xuất.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Chí Huy– Giám đốc Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Be.star cho biết: “Sản phẩm này không phải là sản phẩm chính hãng do nhà máy chúng tôi sản xuất. Đây là sản phẩm có dấu hiệu làm nhái, làm giả sản phẩm của nhà máy chúng tôi bởi không có tem sản phẩm chống giả của nhà máy Be.star. Sản phẩm không có màng co tự động mà lại co màng bằng máy thủ công, các dấu hiệu so sánh nhận diện hàng thật và giả đều khác nhau.

Hơn nữa, ông Vũ Đức Cường đại diện CTCP đầu tư phát triển Vicicorp có liên hệ với nhà máy để đặt một lô bán thử trải nghiệm ra thị trường từ tháng 6/2023 nhưng nhìn vào nhãn sản phẩm mua trên thị trường này thì chúng tôi nhận thấy lô sản xuất này từ năm 2024".

Ông Huy cho biết thêm: “Chúng tôi đã và đang làm đơn tố cáo với các cơ quan liên quan và nhờ cơ quan chức năng, quản lý thị trường vào cuộc với những trường hợp mạo danh sản phẩm, mạo danh thương hiệu làm ảnh hưởng uy tín của Công ty chúng tôi và tôi cũng mong muốn các cơ quan vào cuộc để làm rõ các sản phẩm do bà Đoàn Việt Hương phân phối tiêu thụ số lượng lớn ra thị trường có nguồn gốc từ đâu để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng".

Giảm cân NaTSlim do Boss Đoàn Việt Hương phân phối có dấu hiệu lưu hành hàng giả gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng

Theo xác nhận của Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Be.star, nhà máy này chỉ sản xuất cho Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Vicicorp một lô bán thử trải nghiệm ra thị trường từ tháng 6/2023, nhưng sản phẩm bán cho người tiêu dùng lại sản xuất vào tháng 2/2024?

Từ thông tin ông Huy cho thấy, sản phẩm thực phẩm bổ sung NaT.Slim do CTCP đầu tư và phát triển Vicicorp không những mập mờ nguồn gốc, mà còn vướng nghi vấn có chứa chất cấm Sibutramine- một chất độc ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng?

Câu hỏi đặt ra là: Sản phẩm thực phẩm bổ sung NaT.Slim do CTCP đầu tư và phát triển Vicicorp được sản xuất ở đâu, khi mà đơn vị gia công, đứng tên công bố sản phẩm lại nói "không sản xuất, đây là sản phẩm có dấu hiệu làm giả, hàng giả của nhà máy"? Trong trường hợp khách hàng mua và sử dụng sản phẩm Nat.Slim có xảy ra biến chứng không mong muốn thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Việc sản phẩm do CTCP đầu tư và phát triển Vicicorp phân phối có chứa chất cấm hay không? Có hay không việc vì lợi nhuận mà CTCP đầu tư và phát triển Vicicorp sản xuất sản phẩm chui, bất chấp các quy định của pháp luật bán sản phẩm giả cho người tiêu dùng? Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ bảo vệ người tiêu dùng.

Cùng với đó, quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nhiều dấu hiệu bất minh, cùng mối liên hệ mật thiết với một nhãn hàng có nhiều “tai tiếng”, để tiếp diễn những sai phạm. Thương Trường sẽ tiếp tục thông tin./.

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù tới 15 năm tù giam

Theo Khoản 7, Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định “Hàng giả” gồm:

- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

- Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa…

Còn theo quy định tại các Điều 9, Điều 11 và Điều 13, Điều 63 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ thì với hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3 của Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các Luật sư cũng cho biết, các mức phạt tiền nêu trên là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

Ngoài ra, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là một tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất là 15 năm tù giam. Cụ thể Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Làm chết người;

i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;n) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm

:a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;

b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;

c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Làm chết 02 người trở lên;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Hơn nữa, pháp nhân vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN