cđsd

TINH KHÔI MÀU BLOUSE TRẮNG, SÁNG RỰC TÂM NGƯỜI BÁC SĨ

HATAP

Trước khi bước chân vào con đường “ hành y cứu người”, người học y đều đọc lời tuyên thệ trước tượng Hypocrate - Y Tổ của Thế giới và Hải Thượng Lãn Ông - Y Tổ của Việt Nam, “Coi nghề thầy thuốc mà họ đã chọn như một con đường cứu người và giúp đời”. Trong cả chặng đường cao cả mà đầy gian nan, vất vả đó, một số người đã vấp ngã, đi chệch hướng, nhưng cũng không ít vị bác sĩ đã làm trọn lời thề, cả cuộc đời dốc lòng chữa bệnh bằng cái “tâm”, cái “ân tình” của người “từ mẫu”.

Giữ chiếc áo blouse sạch sẽ, tinh khiết, không hoen ố bởi những bụi đời, giữ cái tâm trong sáng, nguyện cả một đời vì sức khỏe nhân dân. Tấm gương sáng của ngành Nội tiết Việt Nam, “khắc tinh” của căn bệnh bướu cổ, tiểu đường, ông là TTƯT.BSCKII Phạm Văn Choang.

IMG_3995

Xuất thân trong gia đình nghèo hiếu học, với ước mơ và hoài bão với ngành y khoa, người thanh niên Phạm Văn Choang vinh dự trở thành sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội. Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, ông chăm chỉ học tập, đọc nhiều sách, nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu nhiều vấn đề về ngành y nói riêng và về chuyên ngành nội tiết của mình nói riêng. Được phân công công tác tại Bệnh viện Nội tiết Trung Ương, cùng với quyết tâm, tình yêu nghề, ông bắt đầu con đường chữa bệnh cứu người của một vị bác sĩ.

Người ta nói, muốn giàu thì đi buôn, muốn việc nhẹ nhàng, an nhàn thì đừng bao giờ chọn nghề y, bởi chọn nghề y, nghề thuốc - những nghề xã hội thanh bạch, cao quý thì người ta phải sống một cách tự hào, tự trọng với lương tâm nghề nghiệp của mình, bên cạnh đó cũng cần phải cố gắng nỗ lực hơn người, đánh đổi nhiều thứ, và là sự hi sinh thầm lặng. Những ngày đầu khi bước vào nghề đối với một người sinh viên mới ra trường chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng với sinh viên ngành y còn khó khăn gấp bội.

Nhớ lại quãng thời gian đó, ông Choang chia sẻ : “ Đợt đó chúng tôi và các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương tham gia khám định kỳ, thành lập đoàn y tế điều tra, đánh giá bệnh bướu cổ và đần độn của Việt Nam. Từ kết quả thực tế chúng tôi xây dựng biểu đồ về bệnh để trình lên lãnh đạo tỉnh, nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, tỉnh cho thành lập trạm bướu cổ, đề ra phương pháp phòng bệnh cho dân ở đó bằng biện pháp trợ muối và Iot, đưa nhiều tổ chức Quốc tế như Pháp, Mỹ, Austruaylia,…vào cùng tham gia nghiên cứu. Sau nhiều năm các Tổ chức Quốc tế thấy được tỉ lệ bệnh bướu cổ và đần độn ở nước ta rất cao, từ đó họ đầu tư tài trợ tiền, mở lớp đào tạo huấn luyện. Mới đầu những chuyên khoa khác được chú trọng hơn rất nhiều, còn khoa nội tiết bướu cổ chúng tôi chẳng ai quan tâm chú ạ, có người nói “ Dân tôi đần độn chả sao, vẫn khỏe chán, có ảnh hưởng gì đâu?”, họ mời cơm những khoa khác, còn khoa tôi phải tự dùng tem gạo, tự túc bữa ăn. Đến sau này, những điều tra, đánh giá dịch tễ, họng, bướu cổ, đần độn của Việt Nam được công bố, các Tổ chức Quốc tế tài trợ, Nhà nước quan tâm, chú trọng phương pháp phòng bệnh bằng muối Iot. Từ con số không, đến bây giờ có 65 trạm bướu cổ trên các tỉnh. Thời đó, chúng tôi còn trẻ, phải đi suốt chú ạ, vùng sâu vùng xa, băng đèo lội suối, tuy vất vả nhưng cũng vui và hạnh phúc lắm, một phần vì sức khỏe của bà con, phần nữa là ngành nội tiết chúng tôi được tổ chứ quốc tế công nhận, khẳng định được vị trí và vai trò của mình”.

Trong suốt quá trình công tác, càng khó khăn bao nhiêu, ông càng cố gắng và nỗ lực bấy nhiêu, “ lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Những thử thách và trở ngại khi hành nghề không làm ông chùn bước, ngược lại, ông càng ra sức phấn đấu, học tập, cháy hơn nữa ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết. Bên cạnh đó, nghề y là nghề rất nhạy cảm, những lời nói, hành vi và cách giao tiếp của bác sĩ với bệnh nhân khiến cho người bệnh có thể trút đi gánh nặng của bệnh tật hoặc ngược lại sẽ làm tổn thương thêm nỗi khổ của người bệnh.Vì vậy, đối với bệnh nhân, ông Phạm Văn Choang luôn tận tình chăm sóc, ân cần hỏi thăm, chăm lo cho sức khỏe của nhân dân bằng cả tấm lòng, trách nhiệm.

Nói về ông, một bác sỹ giỏi chuyên môn, hết mình với đam mê ứng dụng khoa học trong ngành nội tiết, không thể không nhắc đến những công trình khoa học đầy giá trị mà ông đã để lại cho ngành y tế nước nhà. Có thể kể đến những công trình đề tài khoa học mà ông tham gia như : điều tra dịch tễ học bệnh bướu cổ và đần độn ở Việt Nam, nhận xét về u nang vùng sụn giáp, áp dụng điều trị nhân đặc biệt tuyến giáp dơn thuần qua siêu âm và chọc hút bằng kim nhỏ…..

Ông chưa bao giờ tự bằng lòng với những kết quả mình đã đạt được, với ông, được học, được làm việc là hạnh phúc. Không chỉ tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu khoa học mà ông còn mở các lớp huấn luyện chuyên khoa sau đại học, siêu âm chọc hút tuyến giáp trên cả nước, đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, hướng dẫn sinh viên trường Đại học Quốc tế Rmit Việt Nam.

image1

Hơn 30 năm cống hiến vì sức khỏe cộng đồng, ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều giải thưởng như: Huy chương vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, 4 Bằng khen của Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn lao động, 3 giấy khen của Bệnh viện Nội tiết và Công đoàn Quận Đống Đa, danh hiệu “ Trí thức Việt Nam tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh”. Bác sĩ Phạm Văn Choang đã vinh dự được tiếp kiến đồng chí Trương Mỹ Hoa, Phạm Thế Duyệt, và gần đây nhất là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại văn phòng chính phủ.

IMG_3986

Khoảng năm 1990, nhà nước cho phép mở các phòng khám tư nhân, khi đó, với tay nghề của mình, những kinh nghiệm có được khi làm nghiên cứu, cùng với trái tim mong mỏi được cống hiến hết khả năng của bản thân để chăm lo cho sức khỏe của nhân dân, ông mở Phòng Khám Nội Tiết BS.CKII Phạm Văn Choang. Những bệnh nhân đến với phòng khám của ông đều được chăm sóc và khám chữa tận tình, sự tin tưởng của bệnh nhân với bác sĩ được xây dựng trên nền tảng “tâm - tài”. Ông tâm sự: “Đối với tôi, chữa bệnh không cầu danh lợi, phải có cái tâm trong sáng, vui cái vui của người, lo cái lo của người”. Mở phòng khám đã hơn 20 năm, bệnh nhân tìm tới rất nhiều, có những người khó khăn, không có tiền trả phí điều trị, nhưng tôi vẫn khám chữa tận tình, luôn đặt sinh mệnh con người lên mọi quy chuẩn, tận tâm tận lực vì người bệnh, tôi hành nghề chủ yếu để trị bệnh cứu người chứ không vì đồng tiền, danh lợi”. Nghe ông chia sẻ, tôi lại nhớ tới câu danh ngôn của triết gia người La Mã Seneca “ Người ta trả tiền cho công sức của bác sĩ; còn sự tử tế của bác sĩ vẫn mãi là món nợ ân tình”.

Chính vì tài năng và đức độ của ông mà người bệnh tìm đến ông chữa trị ngày một nhiều, phòng khám lúc nào cũng đông người, bác sỹ chữa bệnh bằng cả tấm chân tình, bệnh nhân khỏi bệnh, ra về với nụ cười nở trên môi. Ngày nay, nhắc tới ông, người ta thường nói ông là vị bác sĩ giỏi, y đức luôn song hành cùng y đạo.

Cơ duyên đã cho chúng tôi có buổi trò chuyện để nghe ông chia sẻ về những cống hiến, đóng góp đáng trân trọng trên chặng đường dài gắn bó với nghề y cao quý. Xin được chúc Bác sĩ Choang thật nhiều sức khỏe để tiếp tục đơm hoa kết trái ngọt cho nhiều mảnh đời khó khăn chiến thắng nỗi đau bệnh tật.

Minh Tuấn!

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN